Thế giới luôn vận động và thị trường tài chính cũng thế. Luôn có những xu hướng xuất hiện, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. DeFi là một trong những xu hướng nổi bật từ năm 2020, đặc biệt là trong thế giới crypto. Đến nay, sức nóng của nó đã hạ nhiệt nhưng tính ứng dụng và phổ biến đã trở nên phát triển hơn. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về tài chính phi tập trung, đừng bỏ lỡ bài viết này!
1. DeFi là gì?
Thuật ngữ DeFi được xem là lần đầu xuất hiện từ tháng 08/2018 trong một cuộc trò chuyện giữa các doanh nhân và các nhà phát triển Ethereum, với vấn đề chính là làm thế nào để xây dựng một ứng dụng dựa trên tài chính mã nguồn mở trên chuỗi khối Ethereum.
DeFi là tên gọi viết tắt của Decentralized Finance – Tài chính phi tập trung. Đây là một hệ sinh thái các ứng dụng tài chính được xây dựng trên blockchain.
DeFi ra đời với mục đích khắc phục những hạn chế của mô hình CeFi. Thay vì được xử lý qua một bên thứ ba như CeFi, các hoạt động trên DeFi được diễn ra trên Smart Contract (hợp đồng thông minh). Smart Contract là các thỏa thuận có thể thực thi tự động theo một bộ quy tắc cụ thể mà không cần người trung gian. Nó có thể được truy cập bởi bất kỳ ai có kết nối internet.
Tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa DeFi và CeFi: Phân biệt DeFi và CeFi
2. Ưu điểm và Nhược điểm
2.1. Ưu điểm
- Tính không ủy thác:
DeFi loại bỏ được các thành phần trung gian như Ngân hàng, Chính phủ, vv… Bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với các sản phẩm, dịch vụ về tài chính mà không cần phải được sự cho phép hay quản lý bởi một tổ chức nào. Thực hiện giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, không giới hạn về thời gian và không gian.
- Tính minh bạch:
Người dùng có thể theo dõi trạng thái tài sản của mình. Mọi hoạt động đều được công khai trên hệ thống.
- Chi phí thấp:
Người dùng sẽ bỏ chi phí thấp hơn so với khi sử dụng tài chính tập trung vì mọi chi phí qua bên thứ ba đều được cắt giảm.
2.2. Nhược điểm
- Tính hợp pháp:
Mặc dù DeFi được sử dụng phổ biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới chưa xem các loại tiền điện tử là hợp pháp. Nếu có bất kỳ tranh chấp xảy ra, sẽ không có tổ chức nào đứng ra giải quyết.
- Tính thanh khoản:
Tính thanh khoản của DeFi không lớn như các hệ thống tài chính truyền thống.
Ngoài ra, các dịch vụ DeFi gắn liền với các tài sản là tiền điện tử. Vì vậy, người dùng cần thời gian để tiếp xúc và hiểu cách sử dụng DeFi vì nó khác biệt so với việc sử dụng fiat (tiền pháp định).
3. Tiềm năng và Rủi ro
3.1. Tiềm năng
DeFi đang hoạt động và phát triển như một “sân chơi” song song với CeFi. Nhiều nhà đầu tư đang có xu thế chuyển sang hệ sinh thái DeFi để tự mình quản lý tài sản cá thể mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức nào.
DeFi có tiềm năng cách mạng hóa ngành tài chính, là tiền đề để chúng ta bước vào nền Tài chính mở. Có rất nhiều nhận định về tiềm năng của DeFi, thể hiện cái nhìn tích cực về xu hướng dài hạn trong tương lai.
Theo David Puth, CEO của Center (Công ty đứng sau USD Coin): “DeFi vẫn chiếm vị thế và phát triển mạnh mẽ từ những giai đoạn đầu. Và dĩ nhiên, thế giới tài chính sẽ không thể bỏ qua những tiềm năng đáng kinh ngạc về DeFi trong tương lai được”.
3.2. Rủi ro
Một trong những rào cản của việc mở rộng và phát triển DeFi là tính hợp pháp. Không dễ để DeFi có được sự công nhận hợp pháp ở tất cả các nước. Chẳng hạn như Trung Quốc đã cấm mọi giao dịch liên quan đến tiền điện tử.
Đi cùng với nhiều cơ hội ở phía trước, DeFi vẫn có những rủi ro tiềm ẩn như các hacker giỏi vẫn đang tìm kiếm những lỗ hổng của DeFi để xâm nhập vào. Bên cạnh đó, thị trường tiền điện tử cũng luôn biến động, ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của người dùng.
4. Một số ứng dụng của DeFi
- Sàn giao dịch phi tập trung (DEX)
Là các sàn cho phép người dùng giao dịch tài sản kỹ thuật số mà không cần một trung gian. Các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa các ví của người dùng với sự hỗ trợ của Smart Contract.
- Bảo hiểm phi tập trung
Đó có thể là bảo hiểm ví tiền mã hóa (crypto wallet), bảo hiểm hợp đồng thông minh (smart contract), bảo hiểm cho các khoản vay (lending). Các loại bảo hiểm này giúp đảm bảo an toàn cho người dùng trước các rủi ro kỹ thuật và tài chính có thể xảy ra. Đồng thời giúp cho quá trình gửi, xử lý và thanh toán an toàn và minh bạch hơn.
- Sản phẩm phái sinh (Derivatives)
Phái sinh là tên gọi của những giao dịch phi tập trung mà giá trị của chúng phụ thuộc vào sự biến động của tài sản được chọn làm cơ sở. Tài sản này có thể là token hay crypto. Người dùng sẽ giao dịch với nhau dựa trên giá của các đồng crypto, chứ không trực tiếp sở hữu hay mua bán các đồng crypto đó. Giao dịch phái sinh trên DeFi giúp hỗ trợ giảm thiểu rủi ro của sự biến động về giá cả.
- Các đồng tiền ổn định phi tập trung (Stablecoins)
Stablecoin là loại tiền điện tử được tạo ra nhằm mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá, bằng cách gắn giá trị của chúng vào một tài sản ổn định (ví dụ như tiền tệ, vàng, bạc, hàng hóa, hay một đồng tiền điện tử khác,…). Miễn là tài sản giữ được giá trị ổn định thì giá trị tiền điện tử của người dùng cũng được ổn định.
Trên đây là những thông tin về DeFi. Hy vọng qua bài viết này, có thể giúp bạn hiểu được tổng quan “DeFi là gì?”. Tài chính phi tập trung cần thời gian để phát triển và hoàn thiện hơn nữa. Với những lợi ích mà DeFi mang lại, liệu nó có thể hoàn toàn thay thế được tài chính tập trung trong tương lai không, vẫn là điều chưa được giải đáp. Các nhà phát triển vẫn đang cố gắng khắc phục những vấn đề đang tồn tại. Vì thế chúng ta vẫn có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng của DeFi bởi tiềm năng của nó là quá lớn!