Ý tưởng về blockchain được xuất hiện từ những năm 90. Tuy nhiên, nó lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2008 dưới dạng sổ cái phân tán đằng sau các giao dịch bitcoin. Khi blockchain tiếp tục phát triển mạnh và trở nên phổ biến hơn với người dùng, liệu bạn có bao giờ tự hỏi “Blockchain hoạt động như thế nào?”. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.
I. Blockchain là gì?
Blockchain được kết hợp giữa hai từ “block” và “chain”, nghĩa là “khối” và “chuỗi. Đây là nền tảng phi tập trung được tạo ra nhằm thúc đẩy sự phân quyền, tính minh bạch và an toàn của dữ liệu.
Có rất nhiều định nghĩa về blockchain. Theo IBM (Tập đoàn công nghệ đa quốc gia), Blockchain là một sổ cái được chia sẻ, bất biến, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ghi lại các giao dịch và theo dõi tài sản trong một mạng lưới kinh doanh.
II. Cấu trúc của blockchain
Mỗi block bao gồm 3 phần chính:
- Dữ liệu: Dữ liệu sẽ là các loại thông tin khác nhau tùy thuộc vào từng mạng lưới blockchain.
- Hash (mã băm) của khối hiện tại: Đây là đặc điểm nhận dạng cho mỗi khối. Mỗi khối có một hash duy nhất và được xem như dấu vân tay của chúng ta.
- Hash (mã băm) của khối trước: Đây là hash giúp các khối liên kết được với nhau và tạo ra một chuỗi. Khối đầu tiên được gọi là khối nguyên thủy bởi nó không được liên kết với bất kì khối nào.
III. Các loại mạng lưới blockchain
1. Mạng blockchain công khai
Blockchain này được mở cho mọi người và nó không thuộc sở hữu của ai. Bất kỳ ai có máy tính và internet đều có thể tham gia vào mạng. Mọi người thường sử dụng blockchain công khai để trao đổi và khai thác các loại tiền điện tử.
Bitcoin, Ethereum là 2 ví dụ về blockchain công khai.
2. Mạng blockchain riêng tư
Giống như tên gọi mạng blockchain riêng tư, nó chỉ mở cho một số người dùng được ủy quyền. Một tổ chức duy nhất kiểm soát các blockchain riêng tư, các blockchain này được vận hành trong một mạng khép kín.
3. Mạng blockchain hỗn hợp
Đây là sự kết hợp giữa mạng blockchain công khai và mạng blockchain riêng tư. Nó có thể chọn những người tham gia trong blockchain và quyết định giao dịch nào có thể được công khai.
4. Mạng blockchain liên hợp
Tương tự như mạng blockchain hỗn hợp, mạng blockchain liên hợp có cả thành phần công khai và riêng tư, nhưng nhiều tổ chức sẽ quản lý một mạng lưới blockchain.
Mặc dù những loại blockchain này ban đầu phức tạp hơn để thiết lập, nhưng chúng có thể cung cấp khả năng bảo mật tốt hơn.
IV. Blockchain hoạt động như thế nào?
Công nghệ blockchain có thể tự động hóa hầu hết các bước sau:
1. Ghi lại giao dịch
Đầu tiên, người tham gia vào mạng lưới blockchain thực hiện một giao dịch. Giao dịch được ghi lại dưới dạng một khối dữ liệu và bao gồm nhiều thông tin chi tiết.
2. Đạt được sự đồng thuận
Blockchain không có một thực thể tập trung, giao dịch nằm trong một mạng ngang hàng phi tập trung để được xác minh. Ở giai đoạn này, các thành viên khác của mạng blockchain bắt đầu xác minh tính xác thực của giao dịch.
Một cơ chế đồng thuận tiến hành quá trình xác minh. Giao dịch sẽ được đưa tới các nút xác minh. Nếu phần lớn mạng đồng ý rằng giao dịch là hợp pháp, thì giao dịch đó sẽ được xác minh.
3. Liên kết các khối
Khi đã đạt được sự đồng thuận, các giao dịch sẽ được viết vào khối, tương đương với một vị trí trong một cuốn sổ cái. Ngoài ra, nó sẽ chứa một timestamp (dấu thời gian) và một ID duy nhất để bảo mật nó khỏi bất kỳ thay đổi nào.
Khối này được hình thành, rồi được kết nối với khối trước thông qua một giao thức băm mật mã (cryptographic-hashing). Và sau đó một khối mới sẽ tạo thành một liên kết với khối này. Theo cách này, nó tạo ra một chuỗi các khối.
4. Chia sẻ sổ cái
Khi dữ liệu được cập nhật trên sổ cái, tất cả các thành viên trong mạng cũng được chia sẻ và cập nhật theo thời gian thực. Nó không thể được đảo ngược hoặc sửa đổi. Tương tự như vậy, một giao dịch mới có thể được nhập nhưng giao dịch trước đó vẫn không thay đổi.
Như vậy, “Blockchain hoạt động như thế nào?” có lẽ sẽ không còn là thắc mắc của nhiều người. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về blockchain cũng như cái nhìn cơ bản về cách thức hoạt động của nó.