Metaverse là từ khoá hot nhất hiện nay sau khi Facebook công bố đổi tên công ty thành Meta và tập trung nguồn lực khổng lồ để phát triển hệ sinh thái hỗ trợ cho tầm nhìn Metaverse. Vậy con người sẽ làm được gì trên Metaverse và cần có những công nghệ gì để hỗ trợ cho nó.
Thuật ngữ Metaverse được tác giả Neal Stephensen đề cập từ năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số.
Có bốn tính chất cơ bản của một Metaverse là: Sự kết hợp của trải nghiệm online và offline, Tính liên tục, Quyền sở hữu số và Quyền tự chủ. Trong vũ trụ số, con người mong muốn có thể thực hiện được hầu hết mọi việc trong thế giới thực, và hy vọng có được những trải nghiệm không giới hạn, không biên giới.
1. Một số đặc điểm của Metaverse:
- Sustainability:
Khả năng duy trì và liên tục có những cải tiến về dịch vụ hay hệ sinh thái trong đó.
- Immersion:
Mức độ chân thực của Metaverse được quyết định bởi sự phát triển của các công nghệ phần cứng và phần mềm hỗ trợ cho trải nghiệm của người dùng. Đặc điểm này trả lời cho câu hỏi liệu trải nghiệm của chúng ta trong Metaverse đạt được bao nhiêu % so với thực tế.
- Openness:
Tính mở, có nghĩa là Metaverse cho phép người tham gia có thể kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào. Đồng thời đó phải là không gian mở cho phép những sáng tạo trở nên không có giới hạn.
- Digital Economic System:
Một hệ thống kinh tế số song song với thực tế. Trong đó, người tham gia có thể dịch chuyển tài sản của mình giữa thế giới thực và Metaverse một cách dễ dàng, cũng như có thể dựa trên việc có những cải tiến sáng tạo đột phá trong Metaverse để tích luỹ và gia tăng tài sản cho chính bản thân.
Việc chuyển đổi và dịch chuyển qua lại giữa môi trường thực và môi trường số này đòi hỏi cần có công nghệ hỗ trợ về bảo mật và xác thực danh tính số.
Đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy từng cá nhân và các doanh nghiệp phải chuyển đổi môi trường làm việc lên môi trường số, các trường học cũng đưa các khoá học lên môi trường số, cách học của học sinh, sinh viên cũng không còn thụ động như trước kia nữa mà đòi hỏi phải chủ động tìm hiểu, học tập đa dạng hơn.
Để hỗ trợ cho việc xác thực các quá trình, công việc, con người, tri thức được tạo ra và lưu chuyển trên không gian số, cần có một công nghệ mạnh, bảo mật cao đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các cá nhân và tổ chức tham gia không gian số. Đó chính là công nghệ Blockchain.
Công nghệ Blockchain được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế số trên không gian Metaverse. Với đặc tính bảo mật, không thể thay đổi và tôn trọng quyền tự chủ cá nhân, Blockchain giúp lưu lại mọi giao dịch và đảm bảo sự minh bạch trên toàn hệ thống. Đây cũng được xem là công nghệ hỗ trợ cho việc xây dựng Web 3.0.
Một số mô hình lưu trữ, xác thực trên không gian số sử dụng Blockchain như Hồ sơ bệnh án, Hồ sơ học tập, các loại chứng chỉ, bằng cấp đạt được sau khi tham gia các khoá học. Việc lưu trữ vừa đồng thời xác thực được lịch sử của chính bạn liên quan đến hồ sơ sức khoẻ, hồ sơ học tập, vừa có thể xác thực được bác sĩ nào, giáo viên nào là người đã khám bệnh, đã giảng dạy và cấp bằng cho bạn.
Qua đó, bạn sẽ có một Hồ sơ số được xác thực, không thể làm giả để đi xin việc hoặc để chứng tỏ năng lực bản thân. Các giáo viên, bác sĩ cũng có thể thông qua Hồ sơ của bạn để chứng minh năng lực về đào tạo, chữa bệnh của mình.
Blockchain có thể được sử dụng để giúp hỗ trợ cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm bắt đầu từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, phân phối, lưu thông hàng hoá và kinh doanh.
Toàn bộ các thông tin về nhà sản xuất và các công ty tham gia vào các quá trình trung gian của sản phẩm sẽ được lưu lại trên Blockchain, đảm bảo tính minh bạch và giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để xem xét, đánh giá trước khi quyết định mua hàng.
Việc này giúp giải quyết một vấn đề mà tất cả các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng và người tiêu dùng đều quan tâm: niềm tin.
Toàn bộ quá trình thanh toán cho các dịch vụ trên không gian số cũng có thể thực hiện trực tuyến qua các nền tảng thanh toán trực tuyến, hoặc qua các loại tiền số với chi phí giao dịch thấp sử dụng công nghệ Blockchain. Khi sử dụng ứng dụng Blockchain, việc thanh toán không cần phải chờ một đơn vị thứ 3 xác thực nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, và theo đó là sự tiết kiệm chi phí để thực hiện giao dịch. Việc tự động hoá quy trình giao dịch sẽ giúp cắt giảm khâu trung gian với sự tham gia của bên thứ 3.
2. Thế nào là Web3.0 và vai trò của Blockchain
Web 3.0, còn được gọi là Web3, đề cập đến một trạng thái phát triển tiếp theo của thế giới web với một hệ sinh thái phi tập trung được cung cấp bởi Blockchain, nơi người dùng có thể tương tác mà không cần lo lắng về việc dữ liệu của mình được lưu trữ tại các kho lưu trữ dữ liệu trung tâm cụ thể.
Nói một cách đơn giản hơn, trong kỷ nguyên của Web 3.0, các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội, thị trường, v.v. sẽ được xây dựng trên Blockchain và được tạo điều kiện để phát triển bởi tiền điện tử, tạo ra những bước phát triển mới đột phá, đa dạng hơn về nội dung và các dịch vụ thanh toán được triển khai toàn diện, tự do hơn.
Tiền điện tử được liên kết với Web 3.0 được gọi là mã thông báo Web 3.0 hoặc tiền điện tử Web 3.0. Lý tưởng nhất, Web 3.0 nhằm mục đích cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nội dung kỹ thuật số của họ với sự trợ giúp của cơ sở hạ tầng phi tập trung, chuyển sự phụ thuộc của các giao dịch và quyền ra khỏi cơ quan trung ương.
Điều này hứa hẹn cho nền kinh tế sáng tạo, nơi người dùng có thể được thưởng về mặt tài chính khi họ sở hữu hoặc mang dữ liệu kỹ thuật số và giá trị đến cộng đồng trực tuyến.
Mặc dù đã có một số ứng dụng Web 3.0 ban đầu, nhưng kỷ nguyên của Web 3.0 sẽ chỉ đạt được tiềm năng thực sự khi phần lớn các ứng dụng web và các trang web hiện tại và tương lai đã sử dụng cơ sở hạ tầng web phi tập trung.