Nếu bàn về chủ đề đâu là công nghệ giúp hoạt động kinh doanh trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn, không thể không nhắc đến Salesforce. Một công nghệ điện toán đám mây đang phổ biến và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, mang lại ảnh hưởng tích cực đến cách vận hành và xử lý của nhiều doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về Salesforce là gì và những ưu nhược điểm của nó.
I. Salesforce là gì?
Salesforce là nền tảng CRM (Customer Relationship Management – quản trị quan hệ khách hàng) hàng đầu, chiếm 19.5% thị phần CRM. Salesforce xây dựng và cung cấp rất nhiều ứng dụng nhưng chủ yếu tập trung vào bán hàng và dịch vụ khách hàng.
Các dịch vụ của Salesforce cho phép các doanh nghiệp sử dụng công nghệ đám mây để kết nối tốt hơn với khách hàng và đối tác.
II. Kiến trúc của Salesforce
Dưới đây là các lớp khác nhau của kiến trúc Salesforce
1. Multi-tenant (Hệ thống đa khách hàng)
Salesforce lưu trữ dữ liệu trong một lược đồ cơ sở dữ liệu duy nhất. Các dịch vụ ứng dụng được chia sẻ cho nhiều khách hàng. Chi phí phát triển hay bảo trì của một ứng dụng cũng có thể được chia sẻ cùng một lúc, giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Tất cả đều chạy trên phiên bản mới nhất, khách hàng không phải lo lắng về việc nâng cấp ứng dụng vì chúng diễn ra tự động.
2. Metadata (Siêu dữ liệu)
Salesforce sử dụng mô hình phát triển siêu dữ liệu, điều này giúp người dùng dễ dàng tùy chỉnh và mở rộng quy mô.
3. API (Application Programming Interface – giao diện lập trình ứng dụng)
Salesforce cung cấp một nguồn API mạnh mẽ, giúp tùy chỉnh và phát triển Mobile App (Ứng dụng di động). Các API này cho phép các bit lập trình khác nhau trao đổi dữ liệu. Chúng ta có thể kết nối ứng dụng của mình với các ứng dụng khác, truy cập ứng dụng từ bất kỳ vị trí nào, sử dụng bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào hỗ trợ các dịch vụ web.
III. Ưu điểm và nhược điểm của Salesforce là gì?
Ưu điểm
- Tùy thuộc vào nhu cầu của từng doanh nghiệp mà Salesforce cho phép tùy chỉnh các chức năng một cách phù hợp.
- Tính năng về dịch vụ đa dạng và chất lượng giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ hài lòng của khách hàng.
- Bảng điều khiển có thể tùy chỉnh. Khi bạn đăng nhập, bảng điều khiển của phần mềm cung cấp một loạt các tiện ích báo cáo, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về cách doanh nghiệp của mình đang hoạt động.
- Salesforce có hơn 2.600 ứng dụng trong AppExchange và có thể tích hợp với nhiều ứng dụng. Ví dụ: Người dùng có thể tích hợp Salesforce với Gmail.
- Vì tất cả dữ liệu được lưu trữ trên điện toán đám mây, nền tảng có thể được sử dụng dễ dàng trên nhiều thiết bị như máy tính, laptop, điện thoại di động,…
- Báo cáo và phân tích dữ liệu linh hoạt.
- Bảo mật dữ liệu tốt.
Nhược điểm
- Với những tính năng siêu khủng, phần mềm Salesforce là lựa chọn thích hợp cho những công ty quy mô lớn nhưng lại là giải pháp khá phức tạp và cồng kềnh đối với các doanh nghiệp nhỏ, startup.
- Salesforce phụ thuộc vào kết nối internet. Cần có kết nối mạng ổn định để đảm bảo tính thống nhất của các quy trình kinh doanh.
IV. Tại sao các doanh nghiệp nên sử dụng Salesforce?
CRM không giới hạn ở bất kì ngành nghề nào và Salesforce cũng vậy, mọi lĩnh vực đều có thể sử dụng phần mềm này.
Khách hàng của Salesforce thường đánh giá rằng phần mềm này là độc nhất, bởi 3 lý do chính:
- Fast (Nhanh chóng): Phần mềm Salesforce chỉ mất vài tuần đến vài tháng để triển khai, trong khi CRM truyền thống có thể mất đến hơn một năm.
- Easy (Dễ dàng): Salesforce cung cấp cái nhìn 360 độ về khách hàng. Nó dễ dàng sử dụng để hiểu khách hàng của bạn tốt hơn.
- Effective (Hiệu quả): Vì Salesforce được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, khách hàng nhận thấy nó rất hiệu quả.
Salesforce xây dựng cầu nối giữa công ty với khách hàng và giữa các phòng ban của công ty với nhau (từ Nhân sự, Sales, Marketing đến Chăm sóc khách hàng). Việc sử dụng Salesforce giúp các doanh nghiệp phát hiện và khai thác được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh thu từ khách hàng, mở rộng thị trường.
Salesforce đang dần trở thành một công cụ được nhiều công ty trên toàn cầu tin tưởng lựa chọn. Các công ty lớn trên thế giới đang ứng dụng phần mềm Salesforce vào hoạt động kinh doanh phải kể đến như: Symantec, Dell, Air Asia, Sansiri,… và những doanh nghiệp tại Việt Nam: Lazada, Capitaland, Prudential,…
Trên đây là tổng quan thông tin về Salesforce, hy vọng có thể giúp bạn hiểu được Salesforce là gì. “Nó không chỉ là một hệ thống CRM. Đó là một nền tảng mà chúng tôi có thể sử dụng để xây dựng tất cả các chức năng mà chúng tôi cần.” (trích từ salesforce.com)