Software Testing là gì? Ứng dụng AI trong kiểm thử phần mềm

Software Testing là một trong những công đoạn quan trọng của quá trình phát triển phần mềm. Software Testing bao gồm nhiều cấp độ khác nhau và nhằm mục đích cải thiện chất lượng phần mềm cũng như nâng cao trải nghiệm người dùng. Mặc dù đây là thuật ngữ khá quen thuộc với giới công nghệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa biết tới. Vậy Software Testing là gì? AI đã được ứng dụng trong kiểm thử phần mềm như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết tới các bạn!

1. Software Testing là gì?

What is Software Testing?

Software Testing là quy trình không thể thiếu trong quá trình phát triển phần mềm. Nguồn: fdp.edu.vn

Software Testing là một phương pháp để kiểm tra chất lượng, chức năng và hiệu suất của sản phẩm phần mềm thực tế có đáp ứng yêu cầu mong đợi không.

Mục đích của quá trình kiểm thử phần mềm là rà soát các lỗi của phần mềm mới cũng như đề xuất các giải pháp cải thiện độ chính xác và linh hoạt của phần mềm.

2. Mục đích của Software Testing

Purpose of Software Testing

Mục đích chính của kiểm thử phần mềm là phát hiện lỗi, khắc phục và nâng cao chất lượng phần mềm. Nguồn: itprotoday.com

Việc kiểm thử phần mềm trước khi tung sản phẩm ra thị trường nhằm các mục đích như:

  • Rà soát và khắc phục lỗi

Mục tiêu cuối cùng của Software Testing là phát hiện ra các lỗi và nhược điểm của phần mềm. Phần mềm thường được tích hợp bởi các thành phần có tính liên kết nhau để tạo ra các tính năng. Nếu một trong các thành phần của phần mềm bị lỗi sẽ khiến toàn bộ hệ thống bị lỗi. Do đó, Software Testing đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng phần mềm, phát hiện lỗi để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

  • Cải thiện chất lượng phần mềm

Ngoài việc khắc phục lỗi kỹ thuật của phần mềm, Software Testing còn có nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng của phần mềm. Kiểm thử phần mềm duy trì chất lượng bằng cách kiểm tra hồi quy, kiểm tra khả năng sử dụng, tính tương thích và bảo mật định kỳ cũng như cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm cho nhà phát triển để liên tục cập nhật dữ liệu.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phần mềm, Software Testing sẽ xác định và giải quyết các lỗi, xác định loại tính năng cần cải tiến, đảm bảo phần mềm tương thích với đa dạng các nền tảng và môi trường.

  • Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Việc áp dụng kiểm thử phần mềm một cách nghiêm ngặt trong quá trình phát triển và chạy thử chúng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nếu sản phẩm càng ngày càng được cải tiến sẽ giúp trải nghiệm của khách hàng trở nên tích cực hơn về lâu về dài.

  • Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

Xác định lỗ hổng trong các phần mềm mới sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận hành khi tung sản phẩm ra thị trường. Trong nhiều trường hợp, khi vận hành các phần mềm ứng dụng vào các ngành như tài chính, y tế, pháp luật, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị thiệt hại lớn và bị kiện tụng nếu lỗi kỹ thuật của các phần mềm này là đáng kể. Do đó, kiểm thử phần mềm còn có một mục đích vô cùng lớn là tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ doanh nghiệp khỏi những rủi ro pháp lý.

3. Một số loại Software Testing phổ biến

Some common types of Software Testing

Software Testing gồm có hai loại chính là kiểm thử chức năng và kiểm thử phi chức năng. Nguồn: quora.com

Hiện nay, có rất nhiều loại kiểm thử phần mềm khác nhau và mỗi loại có những chức năng khác nhau. Một số loại kiểm thử phần mềm bao gồm:

  • Kiểm thử chức năng: Là một loại kiểm thử phần mềm để xác minh xem ứng dụng có mang lại kết quả như mong đợi hay không.
  • Kiểm thử phi chức năng: Là một loại kiểm thử phần mềm để xác minh xem các khía cạnh phi chức năng của ứng dụng có hoạt động hiệu quả không.
  • Kiểm thử đơn vị: Là loại kiểm thử thực hiện trên một đơn vị riêng lẻ trong một ứng dụng.
  • Kiểm thử tích hợp: Một loại kiểm thử được thực hiện trên các nhóm đơn vị ứng dụng để xem chúng hoạt động cùng nhau như thế nào.
  • Kiểm thử chấp nhận: Một loại kiểm thử đánh giá ứng dụng dựa vào các tình huống thực tế.
  • Kiểm thử bảo mật: Kiểm thử phần mềm đã đủ an toàn và bảo vệ ứng dụng khỏi các mối đe dọa hoặc truy cập trái phép.
  • Kiểm thử hiệu suất: Đánh giá phần mềm hoạt động tốt như thế nào về tốc độ, độ ổn định và mức sử dụng tài nguyên.
  • Kiểm thử tải: Đây là một loại kiểm thử hiệu suất nhằm đánh giá cách phần mềm xử lý tải dự kiến và tải cao điểm.
  • Kiểm thử khả năng sử dụng: Kiểm tra đo lường mức độ thân thiện và dễ sử dụng của ứng dụng.
  • Kiểm thử khả năng tương thích: Loại kiểm thử này còn gọi là kiểm tra trình duyệt chéo, nhằm đảo bảo phần mềm hoạt động chính xác trên các nền tảng, thiết bị, trình duyệt hoặc môi trường khác nhau.

4. Các cấp độ kiểm thử cơ bản của Software Testing

Basic testing levels of Software Testing

Quá trình kiểm thử phần mềm còn được gọi là vòng kiểm thử phần mềm. Nguồn: katalon.com

Software Testing bao gồm 6 cấp độ kiểm thử cơ bản, còn được gọi là Vòng đời kiểm thử phần mềm Software Testing Life Cycle (STLC). Các giai đoạn của STLC gồm các bước sau:

4.1. Phân tích yêu cầu

Đây là giai đoạn đầu tiên của STLC, trong giai đoạn này, kỹ thuật viên làm việc với các bên liên quan tham gia vào quá trình phát triển phần mềm để xác định và hiểu rõ các yêu cầu kiểm thử. Các bên sẽ thảo luận, tổng hợp tài liệu và phân tích nhằm tạo nền tảng xây dựng chiến lược thử nghiệm.

Nhà phát triển phần mềm tìm hiểu kĩ các yêu cầu và chuyển thành các mã, bao gồm cấu trúc, phương pháp thiết kế, công nghệ phần mềm. Sau đó, họ chia mã thành các phần và trường thử nghiệm để tránh các yêu cầu mơ hồ có thể dẫn đến kiểm thử phần mềm không hợp lệ.

Cuối cùng, người kiểm thử và nhà phát triển phần mềm sẽ cộng tác để đánh giá tính khả thi của việc thực hiện kiểm thử. Nếu những yêu cầu này không được đáp ứng, họ cần làm việc lại với phía doanh nghiệp khách hàng để điều chỉnh hoặc tìm giải pháp thay thế.

4.2. Lập kế hoạch kiểm tra

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, một kế hoạch kiểm thử được tạo ra. Kế hoạch kiểm thử sẽ trình bày rõ một số vấn đề liên quan như:

  • Mục tiêu kiểm thử: Xác định chức năng, khả năng sử dụng, hiệu suất và khả năng tương thích.
  • Đầu ra và sản phẩm cuối cùng: Ghi lại các kịch bản thử nghiệm, trường hợp thử nghiệm và dữ liệu thử nghiệm sẽ được tạo và theo dõi.
  • Phạm vi kiểm tra: Xác định khu vực và chức năng vào của ứng dụng sẽ được kiểm thử.
  • Tài nguyên: Ước tính chi phí, công cụ kiểm tra thủ công hoặc tự động, dữ liệu kiểm tra.
  • Thời gian: Thiết lập các mốc thời gian dự kiến cho quá trình kiểm thử.
  • Phương pháp thử nghiệm: Đánh giá các kỹ thuật thử nghiệm, mức độ thử nghiệm và các loại thử nghiệm sẽ được sử dụng.

4.3. Phát triển trường hợp thử nghiệm

Sau khi có kịch bản và chức năng cần kiểm thử, người kiểm thử sẽ viết các trường hợp kiểm thử chi tiết và phát triển nó. Với các trường hợp kiểm thử thủ công, cần có công cụ quản lý kiểm thử được sử dụng để ghi lại quá trình thực hiện, kết quả và đề xuất sửa lỗi. 

4.4. Thiết lập môi trường thử nghiệm

Việc thiết lập môi trường thử nghiệm có thể thực hiện riêng lẻ hoặc song song với việc phát triển Test Case. Môi trường thử nghiệm là cấu hình phần mềm và phần cứng mà ứng dụng được kiểm thử, gồm máy chủ cơ sở dữ liệu, môi trường chạy front – end, trình duyệt, phần cứng…

4.5. Thực hiện thử nghiệm

Với mục tiêu rõ ràng, nhóm QA sẽ viết các trường hợp kiểm thử, kịch bản, dữ liệu kiểm thử cần thiết để thực hiện. 

Kiểm thử có thể được thực hiện thủ công hoặc tự động. Kiểm thử thủ công phù hợp khi có đầy đủ sự hiểu biết và phán đoán của con người trong khi đó kiểm thử tự động thích hợp cho quy trình lặp đi lặp lại.

Trong những năm gần đây, phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên phát triển hơn. Do đó, AI cũng được ứng dụng nhiều hơn trong Software Testing và mang lại những kết quả tích cực. Để ứng dụng hiệu quả AI vào Software Testing, kỹ sư cần có đầy đủ kiến thức về AI và khoa học máy tính. Trong tương lai, xu hướng sử dụng AI trong kiểm thử sẽ ngày càng phổ biến, do đó, con người cần cải tiến công nghệ cũng như kiến thức để thực hiện những cuộc kiểm thử đòi hỏi chất lượng cao hơn.

4.6. Kết thúc kiểm thử

Đây là giai đoạn cuối cùng của STLC. Sau khi kiểm thử, người kiểm thử sẽ tập hợp kết quả để đánh giá và lưu lại những bài học quan trọng cho chu trình kiểm thử khác trong tương lai.

5. Kết luận

Bài viết trên đã giới thiệu tới các bạn Software Testing là gì, nguyên tắc và các cấp độ kiểm thử cơ bản. Trong thời gian gần đây, thay vì sử dụng kiểm thử truyền thống, kiểm thử tự động ứng dụng công nghệ AI đang trở thành xu hướng và mang lại kết quả tích cực cho lĩnh vực phát triển phần mềm. Hi vọng rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích với các bạn!