Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall là gì? Trình tự phát triển của mô hình Waterfall

Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall được ra mắt lần đầu vào năm 1970 bởi Winston Royce. Mô hình Waterfall gồm các giai đoạn đơn giản và tách biệt nhau, do vậy Waterfall từng được sử dụng rất phổ biến. Hiện nay, mặc dù mô hình này được thay thế bởi các mô hình khác nhưng vẫn dựa trên nguyên lý hoạt động của Waterfall. Vậy mô hình công nghệ phần mềm Waterfall là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các giai đoạn phát triển, ưu và nhược điểm của mô hình qua bài viết dưới đây nhé!

1. Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall là gì?

Waterfall software model

Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall từng được giới công nghệ cực kỳ ưa chuộng. Nguồn: vecteezy.com

Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall có tên gọi khác là mô hình vòng đời tuần tự tuyến tính (SDLC), là một trong những mô hình quản lý dự án được ưa chuộng nhất hiện nay. Waterfall là hệ thống quản lý tuần tự và liên tiếp, các dự án thực hiện bởi mô hình này diễn ra lần lượt và nối tiếp nhau. 

Mô hình công nghệ phần mềm Waterfall nên được sử dụng với các dự án ngắn, các yêu cầu không thay đổi thường xuyên, công nghệ được sử dụng nhất quán và các nguồn lực được chuẩn bị tốt.

2. Các tính năng của mô hình Waterfall

Mô hình Waterfall có 4 tính năng chính, được ứng dụng trong từng tình huống, giúp cho mô hình bảo đảm được tính hiệu quả, kịp thời, đúng tiến độ của các dự án lớn cũng như làm hài lòng khách hàng.

Các tính năng bao gồm:

  • Tiếp cận tuần tự: Mô hình Waterfall có các giai đoạn phát triển một cách tuần tự để tạo ra các phần mềm, mỗi giai đoạn sẽ được hoàn thiện trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
  • Xây dựng phần mềm dựa trên tài liệu: Mô hình Waterfall dựa vào tài liệu yêu cầu từ phía khách hàng để xác định rõ mục tiêu và xây dựng phần mềm một cách cụ thể nhất.
  • Rà soát chất lượng: Trọng tâm của mô hình là rà soát, kiểm tra chất lượng của sản phẩm ở từng khâu và cả ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
  • Lập kế hoạch nghiêm ngặt: Để có thể tạo ra một sản phẩm công nghệ, mô hình Waterfall tuân thủ một quy trình, kế hoạch cụ thể, nghiêm ngặt. Kế hoạch này sẽ quy định phạm vi dự án, thời gian thực hiện từng giai đoạn và thời hạn bàn giao sản phẩm đến với khách hàng đồng thời bảo trì cũng như giám sát trong suốt quá trình thực hiện.

3. Trình tự phát triển trong mô hình công nghệ phần mềm Waterfall

Mô hình Waterfall có 5 giai đoạn phát triển, gồm: Phân tích và mô tả yêu cầu, thiết kế, thực hiện, kiểm tra tích hợp, vận hành và bảo trì.

Development sequence in the Waterfall software engineering model

Mô hình phát triển Waterfall có 5 giai đoạn phát triển sản phẩm chính. Nguồn: geeksforgeeks.org

3.1. Giai đoạn phân tích và mô tả yêu cầu

Tại giai đoạn đầu của mô hình công nghệ phần mềm Waterfall, một tài liệu hướng dẫn quá trình tiến hành dự án cũng như thời gian triển khai và tiềm năng sẽ được trình bày. Cụ thể, tài liệu không đề cập tới thủ tục và giai đoạn phát triển cụ thể của dự án hay lập kế hoạch cho dự án. Những tài liệu về dự án do khách hàng cung cấp và nhà phát triển phần mềm cần hiểu rõ những yêu cầu của khách hàng.

3.2. Giai đoạn thiết kế

Sau khi phân tích và hiểu rõ yêu cầu của khách hàng, nhà phát triển phần mềm sẽ chuyển đổi các yêu cầu đó thành một dạng phù hợp cho phép mã hóa thêm ngôn ngữ lập trình. 

Giai đoạn thiết kế sẽ xác định ngôn ngữ lập trình, phần cứng, dữ liệu, dịch vụ từ tổng quát cho tới thiết kế chi tiết sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Tất cả các phần này được tổng hợp dưới dạng Tài liệu thiết kế phần mềm.

3.3. Thực hiện và thử nghiệm

Ở giai đoạn này, thiết kế sẽ được thực hiện, nếu tài liệu thiết kế phần mềm được chuẩn bị tốt, quá trình này sẽ diễn ra suôn sẻ. Trong quá trình thử nghiệm, các module sẽ được thử nghiệm riêng biệt và kiểm tra sự tương tác giữa module và luồng đầu ra trung gian.

Hoạt động thử nghiệm gồm có 3 loại chính như sau:

  • Thử nghiệm Alpha: Các nhà phát triển thử nghiệm hệ thống gọi là thử nghiệm Alpha.
  • Thử nghiệm Beta: Người dùng trải nghiệm sử dụng hệ thống gọi là thử nghiệm Beta.
  • Kiểm tra chấp nhận: Sau khi chuyển giao hệ thống, khách hàng kiểm tra sản phẩm cuối cùng.

3.4. Giai đoạn kiểm tra tích hợp

Đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của quá trình phát triển mô hình công nghệ phần mềm Waterfall bởi sản phẩm cuối cùng được đánh giá thông qua hiệu quả của thử nghiệm được thực hiện. Sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt sẽ khiến khách hàng hài lòng, làm giảm chi phí bảo trì, xác định được chất lượng của các module đơn lẻ.

3.5. Giai đoạn vận hành và bảo trì

Bảo trì là công việc cuối cùng của quá trình phát triển mô hình công nghệ phần mềm Waterfall. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của bất cứ quy trình phát triển phần mềm nào, thường chiếm hơn 50% nỗ lực tổng thể để tạo ra sản phẩm cuối cùng. 

Có 3 loại bảo trì chính:

  • Bảo trì khắc phục: Được tiến hành để khắc phục các lỗi không được tìm thấy trong quá trình phát triển sản phẩm.
  • Bảo trì hoàn hảo: Bảo trì hoàn hảo giúp cải thiện chức năng của sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
  • Bảo trì thích ứng: Bảo trì thích ứng cần thiết cho quá trình chuyển phần mềm sang một môi trường mới. Những thay đổi về môi trường có thể ảnh hưởng tới sản phẩm, vì vậy, giai đoạn này rất quan trọng và tác động tới hiệu năng của sản phẩm.

4. Ưu và nhược điểm của mô hình Waterfall

Advantages and disadvantages of the Waterfall model

Ưu điểm lớn nhất của mô hình Waterfall là đơn giản và dễ dàng sử dụng. Nguồn: projectcubicle.com

4.1. Về ưu điểm

  • Mô hình Waterfall đơn giản để thực hiện và số tài nguyên cần thiết là tối thiểu.
  • Các yêu cầu với mô hình Waterfall khá đơn giản và được khai báo rõ ràng và không thay đổi trong cả quá trình phát triển dự án.
  • Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc mỗi giai đoạn được cố định, giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến độ.
  • Ngày phát hành sản phẩm đầu ra cũng như chi phí phát triển được xác định ngay từ đầu.
  • Mô hình Waterfall giúp khách hàng dễ dàng kiểm soát nhờ những báo cáo cáo chặt chẽ.

4.2. Về nhược điểm

  • Không có phần mềm khả thi nào được sản xuất cho đến cuối vòng đời.
  • Mức độ rủi ro cao do mô hình không cho phép xác định các thách thức và rủi ro trong các giai đoạn.
  • Không phù hợp với các dự án lớn.
  • Những sửa đổi nhỏ và lỗi xảy ra trong sản phẩm đã hoàn thành có thể dẫn đến nhiều vấn đề với dự án.
  • Không thể nhận phản hồi có giá trị từ người dùng và các bên liên quan trong suốt quá trình phát triển.
  • Mô hình không chấp nhận những yêu cầu thay đổi trong quá trình phát triển.

5. Ứng dụng của mô hình Waterfall

Ứng dụng của mô hình công nghệ phần mềm Waterfall

Mô hình Waterfall thường được ứng dụng trong các dự án nhỏ. Nguồn: lifewire.com

Bạn có thể sử dụng mô hình công nghệ phần mềm Waterfall cho các trường hợp sau:

  • Các dự án lớn, phức tạp và đòi hỏi cách tiếp cận tuyến tính, tuần tự, có cấu trúc rõ ràng. Điều này giúp cho các dự án được phát triển đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách.
  • Các hệ thống quan trọng về sự an toàn như hệ thống hàng không vũ trụ và y tế.
  • Các dự án của chính phủ, các dự án phục vụ quốc phòng – an ninh.
  • Các dự án có tài liệu yêu cầu rõ ràng và ổn định.

Kết luận

Bài viết trên là toàn bộ thông tin về mô hình công nghệ phần mềm Waterfall. Đây là một trong những mô hình công nghệ phần mềm lâu đời nhất, tạo nền móng phát triển cho các mô hình SDLC hiện đại. Mô hình công nghệ Waterfall có các ưu điểm và nhược điểm riêng, và được ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau với điều kiện những dự án đó có yêu cầu rõ ràng. Hi vọng rằng đây sẽ là những kiến thức mà bạn đang tìm kiếm. Hãy theo dõi BAP Software để có thêm nhiều cẩm nang bổ ích khác nhé!